Với sự phát triển của khoa học công nghệ, con người đã phát minh ra ra nhiều vật dụng hữu ích phục vụ đời sống của con người. Một trong số đó là điện thoại di động - kết tinh của trí tuệ nhân loại. Hiện nay, việc sử dụng điện thoại di động của học sinh đã rất phổ biến. Tuy nhiên, nhiều học sinh đã quá lạm dụng điện thoại.
Thực trạng sử dụng điện thoại di động của học sinh hiện nay đang diễn ra theo chiều hướng tiêu cực. Nhiều học sinh sử dụng chưa đúng cách thậm chí là quá lạm dụng: sử dụng trong giờ học, sử dụng để tán gẫu, chơi game, lướt web, dùng làm công cụ sao chép tài liệu trên mạng... Nhiều trường hợp dùng điện thoại để khai thác những nguồn thông tin không lành mạnh về cách hành vi bạo lực, các web đen, các loại văn hóa phẩm đồi trụy, phát tán cho nhau, tham gia hành vi bạo lực mạng, bình luận mà không nắm rõ nguồn thông tin gây nhiều hậu quả. Dần dần, các em học sinh trở rơi vào tình trạng “nghiện điện thoại” - có nghĩa là bất cứ lúc nào đều phải có chiếc điện thoại ở bên cạnh.
Vậy nguyên nhân nào đã dẫn đến tình trạng trên? Đầu tiền, cần phải kể đến sự phát triển của xã hội khiến cho nhu cầu liên lạc tăng cao. Các bậc phụ huynh quá bận rộn với công việc của mình mà khó có thể theo sát, đôn đốc con mình, nên việc mua sắm điện thoại cho con là để quản lý và liên lạc cho thuận tiện. Một số bậc phụ huynh mua điện thoại cho con chỉ vì sự chiều chuộng con cái. Cũng có khi nhiều học sinh vì muốn đua đòi, để cho bằng bạn bằng bè. Những chiếc điện thoại di động thông minh có quá nhiều chức năng ngoài nghe và gọi, khiến cho bố mẹ không thể kiểm soát việc sử dụng của con cái.
Cuối cùng, việc quá lạm dụng điện thoại đã để lại những hậu quả. Học sinh vì quá “nghiện điện thoại” mà quên mất nhiệm vụ chính là học hành, sao nhãng việc học tập. Nhiều học sinh vì sử dụng điện thoại trong lớp mà không tập trung nghe giảng, khi bị thầy cô phát hiện thì tìm cách nói dối… Đặc biệt là việc sử dụng điện thoại sẽ gây ra những vấn đề về sức khỏe: các tật khúc xạ ở mắt như loạn thị, cận thị, thậm chí còn có thể gây mù loà nếu sử dụng điện thoại quá lâu. Đôi khi, việc quá chú tâm vào thế giới ảo bên trong điện thoại mà xa rời thực tế xã hội cũng là một trong các nguyên nhân gây ra các căn bệnh như trầm cảm, mất tập trung, giảm khả năng suy nghĩ sáng tạo, con người trở nên yếu ớt, nhạy cảm với những tác động bên ngoài. Học sinh thuộc độ tuổi mới lớn, dễ bị kích động và ảnh hưởng bởi những thông tin xấu như bạo lực, các tệ nạn xã hội, các loại văn hóa phẩm đồi trụy… Điều đó sẽ làm gia tăng tình trạng phạm tội ở lứa tuổi học sinh, bạo lực học đường, những hành động vượt khỏi chuẩn mực đạo đức, cãi lời cha mẹ thầy cô, tự cho mình là đúng… Thậm chí còn có tình trạng học đòi trên mạng, yêu sớm, tình dục không an toàn, để lại những hậu quả khó có thể khắc phục, để lại bóng đen tâm lý nghiêm trọng. Thế mới thấy hậu quả của việc quá lạm dụng điện thoại là vô cùng nghiêm trọng.
Vậy nên, từ gia đình đến nhà trường và cả xã hội cần chung tay tìm ra những biện pháp tích cực để giải quyết hiện trạng này. Trước hết là các bậc phụ huynh cần quan tâm đến con cái nhiều hơn, thường xuyên chia sẻ để định hướng con cái sử dụng điện thoại một cách hợp lý. Cùng với đó, nhà trường cần có những biện pháp không cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học, thường xuyên tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh đến các em. Nhưng bản thân học sinh cũng cần có ý thức tự giác trong học tập, sử dụng điện thoại với mục đích đúng đắn. Việc tự ý thức được tác hại của điện thoại sẽ giúp học sinh biết cách sử dụng đúng đắn.
Đối với tôi, một học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường, tôi luôn ý thức được rằng điện thoại chỉ là công cụ hỗ trợ cho trong học tập, cuộc sống.
Như vậy, việc quá lạm dụng điện thoại sẽ gây ra những hậu quả khôn lường. Mỗi học sinh hãy tự rèn luyện để tránh xa khỏi tình trạng “nghiện điện thoại”. Hãy sử dụng “điện thoại thông minh” một cách thông minh nhất.
Bình luận (0)