Đã đôi lần tôi tự hỏi chính tôi, giá trị của tôi là gì? Và cũng từng có đôi lần, tôi buồn bã khi chứng kiến sự thành công của những người quanh tôi. Tôi đã từng so sánh họ với tôi và cảm thấy mình thật nhỏ bé, vô vị. Nhưng rồi tôi đã nhận ra, những điều làm nên giá trị của chúng ta lại rất đơn giản bình thường. Cũng giống như câu chuyện " Chim sâu và chiếc lá " vậy, chiếc lá nhỏ lại chính là niềm biết ơn lớn lao của bông hoa. Chim sâu cứ tưởng nó đã đôi lần biến thành hoa, thành quả, thành cái gì đó cao cả nhưng thật ra nó vẫn là chiếc lá như thế. Chính vì nó luôn là chiếc lá, sự giản đơn, bình thường ấy đã tạo ra bao đóa hoa đẹp đẽ.
"Được sinh ra trên đời là một điều thực sự tốt đẹp và hạnh phúc. Vậy tại sao mỗi người không sống một cuộc đời ý nghĩa? "
Thế nhưng như thế nào mới là cuộc sống ý nghĩa? Hãy cảm nhận cuộc đời của chiếc lá ấy, chẳng biến thành những bông hoa sinh đẹp hay những quả ngọt vậy mà nhờ có lá thực hiện các chức năng quang hợp, trao đổi khí và hô hấp mới góp phần tạo ra hoa, quả. Chúng ta khi sinh ra tưởng chừng giống như “hạt cát vô danh” vì nhỏ bé. Nhưng khi chúng ta lớn lên, chỉ khi ta sống một cuộc đời nhạt nhòa, vô ích và không dám tự khẳng định giá trị của chính mình thì ta mới là "hạt cát vô danh" thật sự thôi. Thực chất, giá trị con người không phải là những thứ phù phiếm ta nhìn thấy như: tiền bạc, quần áo thời trang, nhà cửa, xe cộ… Vì những vật chất này chung quy lại chỉ là hình thức bên ngoài, nó chỉ giúp bạn khoác lên mình một “tấm áo” hoàn thiện và lộng lẫy hơn mà thôi. Những giá trị nghiêng về hình thức này không chứng tỏ được bạn là ai. Hơn nữa, nó hoàn toàn có thể ẩn hiện, lúc dồi dào, lúc biến mất không để lại dấu vết mà ta chẳng thể làm gì để níu giữ.Nghe có vẻ mông lung và quá xa vời về cách định giá bản thân chúng ta. Tuy nhiên, những giá trị của chúng ta luôn tồn tại theo một cách nào đó. Có lẽ vì chúng ta chưa để ý, hoặc do giá trị xuất phát từ những điều quá đỗi bình thường nên chúng ta không nhận ra.
Tôi đã từng đọc quyển sách “Sống hết mình cho ngày hôm nay” của tác giả Taketoshi Ozawa (Nhật Bản) - một cuốn sách mở ra giúp tôi con đường đi tìm ý nghĩa cuộc đời, biết trân trọng từng giây phút được sống, yêu chính bản thân mình và những người xung quanh hơn. Và bạn có biết vì sao tôi chỉ nói "mở ra con đường đi tìm ý nghĩa cuộc đời" ? Bởi vì giá trị của chúng ta, chỉ chứng ta tự tạo ra nó, dù người khác có giúp bạn như thế nào đi chăng nữa, cũng không tìm giúp bạn được. Cuốn sách là sự chiêm nghiệm của tác giả trước cuộc sống khi chứng kiến những bệnh nhân đang ở giai đoạn cuối của cuộc đời. Họ đã sốc khi biết mình đang mang trọng bệnh không thể cứu chữa, cuộc sống, sự tồn tại của bản thân chỉ còn tính theo ngày, theo tháng. Nhưng với sự tận tâm chăm sóc, sự sẻ chia, sẵn sàng lắng nghe của những bác sỹ và sự yêu thương của những người thân, bạn bè, họ đã dần vượt qua nỗi đau. Chính lúc này, họ tự nhìn lại quãng thời gian mình đã sống để thấy rằng mình đã có một gia đình hạnh phúc, có những người bạn tốt, có một công việc phù hợp... để cảm thấy mình không sống hoài, sống phí. Bởi, trong lúc tột cùng của đau khổ, họ đã hiểu được “cuộc đời mình có ý nghĩa” và khao khát khẳng định sự tồn tại của mình, chấp nhận nỗi đau để sống những ngày cuối đời thật mạnh mẽ và hạnh phúc.
Mỗi một chúng ta khi sinh ra đều là một bản thể khác biệt, ta chỉ có thể sống với những gì thuộc về chính mình. Trên con đường tìm kiếm, khám phá hạnh phúc và hoàn thiện bản thân thì sống là chính mình là quan niệm nhân sinh luôn đúng đắn. Sống thật với chính mình là không lừa dối bản thân và bắt chước lối sống của người khác. Cuộc đời là một sân khấu, sống thực với chính mình bạn sẽ là người đẹp nhất trên sân khấu đó.Nhưng giữa đời thường, có mấy ai dám sống thật với chính bản thân mình? Còn vướng bận giữa những toan tính đời thường, mấy ai có can đảm nói thật hết những suy nghĩ của mình.Ví như một công nhân đi làm, khi nghe giám đốc nói về một vấn đề nào đó, nghĩ rằng giám đốc nói sai, nhưng là công nhân, có ai dám nói thẳng thừng rằng cấp trên của mình đã sai. Hay như một học sinh đứng trước giáo viên, khi được hỏi rằng có hiểu bài cặn kẽ hay không, thì dù thế nào, người học trò ấy vẫn sẽ trả lời rằng có, dù đôi khi sự thật không phải là như vậy. Chối bỏ bản thân có đôi khi là đánh mất luôn cả cơ hội để thay đổi mọi thứ.
Vậy bạn đã tìm được giá trị của chính mình chưa? Đừng vội vã vì những điều đặc biệt thường rất bí ẩn. Hãy nhớ rằng bạn là một, là duy nhất, ngàn vì tinh tú của trời đất cũng chẳng đa dạng bằng hàng tỉ tỉ tế bào có trong bạn. Đừng để những đặc sắc riêng biệt của bạn bị tan vào với cái gì khác. Hãy cứ là bạn. Hãy luôn sống với đúng con người thật của chính mình!
Bình luận (0)