“Nắng trong mắt những ngày thơ bé
Cũng xanh mơn như thể lá trầu
Bà bổ cau thành tám chiếc thuyền cau
Chở sớm chiều tóm tém…”
Chỉ đọc bốn câu thơ đầu đoạn trích bài thơ “Thời nắng xanh” của tác giả Trương Nam Hương, ta đã cảm nhận được một tình yêu bà trong trẻo, sâu lắng của một đứa trẻ được tác giả khắc họa vô cùng chân thực và tinh tế.
Trương Nam Hương sinh năm 1963 ở Hà Nội. Ông có mẹ là người Bắc Ninh, bố ở xứ Huế. Mười hai tuổi, gia đình ông chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống. Ông tốt nghiệp khoa Ngữ Văn trường Đại học Tổng hợp TP.HCM. Ông có nhiều tác phẩm hay, đa phần thổ lộ tâm trạng của một người con xa xứ, nhớ Hà Nội, nhớ đất Bắc, nhớ Huế. Những lời thơ của ông được đánh giá là trong trẻo tình yêu, trong trẻo nỗi buồn và bài thơ “Thời nắng xanh” là một tác phẩm tiêu biểu. Đoạn thơ là kí ức của chủ thể trữ tình về tuổi thơ trong trẻo, hồn nhiên và về người bà tảo tần khuya sớm.
Ta đến với bài thơ qua giọng điệu nhẹ nhàng, hồn nhiên và sâu lắng, bởi đó là thứ tình cảm của một đứa cháu nhỏ dành cho bà của mình. Đoạn thơ viết theo thể thơ tự do, để ta thoải mái đặt mình vào nhân vật, tự trôi theo những dòng cảm xúc riêng, không gò bó nặng nề. “Nắng trong mắt những ngày thơ bé/ Cũng xanh mơn như thể lá trầu.” Ai từng có tuổi thơ ở quê, ở với ông bà thì hình ảnh này quen thuộc và in sâu vào tiềm thức ta hơn cả. Đứa cháu nhỏ chắc hẳn đã có những tháng ngày ấu thơ thật đẹp, được nắng mơn man mỗi chiều ngoài bờ mẫu, hay hình ảnh người bà tóm tém nhai trầu. Thế mới có thể thưởng trọn cái màu nắng trong veo, và thói quen bà ăn trầu cũng đương nhiên như trời phải có nắng vậy. “Bà bổ cau thành tám chiếc thuyền cau/ Chở sớm chiều tóm tém.”. Đến hành động bổ cau của bà ra thành tám miếng, khuôn miệng móm mém của bà nhai trầu cũng in sâu vào tâm trí đứa cháu nhỏ. Hình ảnh người bà hiện lên rất thật, cộng hưởng với sự miêu tả thói quen, văn hóa nhai trầu của người dân Việt Nam đã thành công trong việc khắc họa người bà thật bình dị, gần gũi, là hình ảnh tiêu biểu của người dân thôn quê.
Trong đoạn thơ tiếp theo, tác giả tập trung miêu tả những hình ảnh, hoạt động của bà mỗi chiều. “Hoàng hôn đọng trên môi bà quạnh thẫm”, đã đủ để ta hình dung hình ảnh bà ra vườn, ở ruộng, đội nắng đội gió, trồng cây trồng quả, lo cho con cháu. Nắng chiều đọng trên môi bà quạnh thẫm vì ăn trầu. Nắng chiếu vào người bà gầy gầy có mỗi cái nón che đầu, đó những hình ảnh hiện lên trong đầu tôi khi đọc câu thơ này. Hoàng hôn thường gợi cho ta cảm giác buồn man mác, về một ngày sắp tắt, về sự tĩnh lặng khi đêm xuống. Hình ảnh người bà đứng trong buổi hoàng hôn gợi cho ta cái xúc cảm thương bà, không muốn xa bà, xa những tháng ngày tuổi thơ êm đẹp của ta. Ta muốn phá bỏ cái quy luật sinh-lão-bệnh-tử, rằng bà sẽ không là buổi chiều tà bóng xế mà sẽ mãi bên ta, trao cho ta hơi ấm của nắng vàng ngập tràn sức sống. “Nắng xiên khoai qua liếp vách không cài. Nắng đậu bên căn nhà tranh vách đất, to, gay gắt và oi bức, chiếu vào dáng bà gầy gầy, “đổ bóng bà xuống đất đai”. Ruộng vườn, nhà cửa, đâu đâu cũng in bóng bà, cái dáng hình thân thương, quen thuộc và trĩu nặng tình yêu bà của đứa cháu nhỏ. Có một tuổi thơ với bà, với lũ châu chấu, cào cào, còn gì tuyệt vời hơn. Lũ côn trùng nhỏ bé, nhanh nhẹn tung tăng nhảy nhót khắp cánh đồng quê, chiều chiều lũ mục đồng bắt trên bờ mẫu. “Rủ rau má, rau sam/ Vào bát canh ngọt mát/ Tôi chan lên suốt dọc tuổi thơ mình.” Mấy thứ rau chẳng đáng đồng bạc mà lại vô giá. Đơn giản vì trong tâm trí đứa trẻ, nó chẳng định nghĩa ra tiền ra của, mà nó cảm nhận được tình thương vô bờ vô bến bà dành cho nó chỉ cần qua cọng rau bà nấu, qua canh mình chan. Vị canh ngọt mát được in sâu vào tâm trí đứa trẻ, đong đầy tình bà cháu, thắm đượm hình ảnh thôn quê.
Có lẽ tác giả đã có một tuổi thơ bên bà thật đẹp mới thể họa ra những vần thơ này. Chẳng mấy từ ngữ mĩ miều, kiêu sa, ta đã đủ hình dung ra tình cảm bà cháu thật đáng yêu, đáng trân quý, bình dị mà gần gũi. Bài thơ chạm đến trái tim người đọc một cách nhẹ nhàng, chân thực mà không kém phần lôi cuốn.
Bình luận (0)