Qua câu chuyện về lòng hiếu thảo của cô bé được đề cập ở trên, người đọc đã không khỏi suy ngẫm về tầm quan trọng của lòng hiếu thảo đối với cha mẹ. Chỉ là một câu chuyện ngắn thôi nhưng thông điệp nó để lại sẽ tồn tại mãi với thời gian.

     Trong chuyện, cô bé có một người mẹ lâm bệnh trọng. Thay vì chỉ ngồi buồn để căn bệnh khiến người mẹ suy sụp dần mòn, cô bé quyết tâm lên đường tìm phương thuốc cứu chữa cho mẹ. Qua hành động này cho thấy cô bé là một người con có trách nhiệm, nghị lực và là một người con hiếu thảo. Hiểu đến đây, ta tự hỏi ta: Liệu mình có làm được như thế? 

     Thấu được tình yêu và lòng hiếu thảo cô bé dành cho mẹ, Phật đã trao cho cô bé một bông cúc để chữa bệnh cho mẹ. Biết được bông cúc có bao nhiêu cánh, người mẹ sống thêm bấy nhiêu năm, cô bé liền tước cánh hoa thành nhiều cánh nhỏ để người mẹ sống thêm với cô bé thật lâu. Như vậy, ta thấy mỗi công sức ta bỏ ra đều được đền đáp xứng đáng, như Phật trao cho cô bé phương thuốc để cứu mẹ. Không chỉ thế, ta còn thấy cô bé rất thông minh, biết tạo ra nhiều cánh hoa cúc từ một bông hoa cúc nhỏ bé. 

   Ngày nay, khoa học phát triển, nỗi lo bệnh tật đã bớt đi phần nào. Theo em, những hình ảnh vừa giải thích bên trên chỉ là phần nổi. Ẩn sâu trong lớp nghĩa bên ngoài ấy là một tầng nghĩa rất sâu sắc. Hình ảnh cô bé là đại diện cho những người con ngoan, hiếu thảo đối với cha mẹ, yêu thương cha mẹ không màng khó khăn gian khổ, sẵn sàng ở bên đấng sinh thành mỗi khi có trắc trở xảy ra. Mỗi người sinh ra không được chọn cha mẹ, và cha mẹ cũng vậy, không được chọn đứa con ngoan hay hư, giỏi hay kém. Nhưng có điều, cha mẹ sẵn sàng nuôi nấng ta, trao cho ta những điều tốt đẹp nhất. Vậy nên mỗi chúng ta cũng có nghĩa vụ quan tâm, chăm sóc và dành những gì tuyệt vời nhất cho họ. Những gì cho đi là những gì còn lại. Cô bé trong chuyện có lòng hiếu thảo với mẹ, Đức Phật cứu cho cô bé một người mẹ khỏe mạnh.

     Trong thời buổi hiện nay, không khó để bắt gặp những người con thành đạt, luôn quan tâm chăm sóc cha mẹ khi về già. Không chỉ thế, họ còn đóng góp xây dựng quê hương, đất nước thêm giàu đẹp, văn minh hơn. Thế mới thấy, lòng hiếu thảo không chỉ dừng ở mức con cái với cha mẹ, mà nó còn ở mỗi người con đối với quê hương, đất nước. Bởi chính quê hương cũng sinh ra ta, cũng nuôi nấng, trao cho ta những điều tinh túy nhất. Bên cạnh những tấm gương tốt, ta cũng thấy một số tấm gương "sứt mẻ". Có những trường hợp, con cái đánh đập, không tôn trọng cha mẹ, gây ra bao nhiêu tội ác. Bất hiếu là tội nặng nhất. Nghịch tử không thể dung tha.

 Trong chuyện, vui là thế, mẹ đã khỏe lại là thế, nhưng ta không thể phủ nhận một điều: chẳng có ai bất tử. Mỗi chúng ta phải biết thể hiện hành động, tình cảm của mình đối với cha mẹ càng sớm càng tốt. Như thế, không chỉ mình ta vui mà cha mẹ còn hạnh phúc bội phần, khi họ sinh ra một người con ngoan, yêu thương mình.

     Câu chuyện trên nhắn gửi cho ta một thông điệp: hãy luôn yêu thương, hiếu thảo với cha mẹ. Cố nhân đã có câu: "Đạo phụng thờ cha mẹ, đó là gốc của đức."