" Tiết Vu Lan bâng khuâng nhớ cha công dưỡng dục

                                  Mùa báo hiếu bùi ngùi thương mẹ đức cù lao"

              Đã bao lâu rồi bạn chưa về quê nhà hỏi thăm cha mẹ cũng như bao lâu rồi bạn mới xuống bếp nấu cho cha mẹ một bữa cơm ngồi vui vẻ nói chuyện quan tâm hỏi han về sức khỏe của họ mà không phải gặp mặt nhau qua màn hình điện thoại lạnh lẽo. Có lẽ đã rất lâu rồi tôi đã không hỏi thăm sức khỏe của đấng sinh thành, lâu đến mức khi lướt qua đọc được câu chuyện cảm động trên với hình một cô bé chứa đựng lòng hiếu thảo trân quý tôi mới giật mình nhận ra rằng: Phải chăng mình đã bỏ lỡ một điều gì đó trong sinh mệnh?

          Cô bé trong câu chuyện trên đã để lại nhiều  ấn tượng, xúc động trong lòng tôi bởi sự dũng cảm, là người con có hiếu và rất thông minh. Vì sao lại có cái nhìn như vậy? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu xuyên suốt câ chuyện cũng như hành trình cô bé đi cứu mẹ mình như thế nào.

     Trước tiên, chúng ta nói về lòng dũng cảm của cô bé. Vì biết mẹ mình bị bệnh nặng, một phần nguyên do nhà rất nghèo nên em đã tự mình đi tìm thuốc về sắc cho mẹ uống. Một đứa nhỏ như em thì có thể tìm như thế nào trong khi không có người dẫn dắt chỉ bảo, hành động của em chẳng khác nào mò kim đáy bể nhưng tấm lòng của em vẫn kiên định bởi em biết được rằng so với ngồi im chờ mẹ mình ra đi thì không bằng đánh cược một lần ra ngoài vô định tìm kiếm bởi biết đâu trời không phụ lòng người. Dù sẽ gặp khó khăn nhưng vì mẹ mình chút trở ngại ấy như gió thoảng mây bay.

     Chúng ta cũng tự hỏi mình rằng sao một em nhỏ như vậy lại có sự dũng cảm đến kiên cường như vậy? Tất cả là do lòng hiếu thảo đã ăn sâu vào người cô bé, nó bao chùm nên sự dũng cảm và tiếp bước cho em đi tìm phương thuốc cho mẹ mình. Phải khẳng định như vậy vì  đức Phật cũng đã cảm động trước sự liều lĩnh gan dạ của cô bé bằng việc ban tặng một bông hoa cúc dặn em làm thuộc cho mẹ với một lời kèm theo " Hoa cúc có bao nhiêu cánh người mẹ sẽ sống thêm bấy nhiêu năm".  Bông hoa cúc Phật ban cho như một phương thuốc thần kỳ tượng trưng cho sự hiếu hạnh sâu trong tiền thức của những con người có hiếu.

   Trời chưa bao giờ tuyệt đường sống của con người khi  chúng ta thật tâm thật lòng quan tâm đến một người nào đó. Trong câu chuyện, khi nhận được bông hoa của Phật kèm theo lời nhắn nhủ như vậy, có lẽ sẽ có người thấy tuyệt vọng và cứ vậy sắc thuốc cho mẹ uống trông đợi vào trời mà không tìm cách xoay chuyển nhưng cô bé thì không. Em đã rất thông minh khi tước cánh hoa ra thành những cánh nhỏ biến bông hoa chỉ đơn giản vài ba cánh thành vài chục cánh tượng trưng cho tuổi thọ lâu dài của mẹ em. Chẳng còn gì tuyệt vời hơn hết trước tấm lòng hiếu thảo đi kèm với sự thông minh sáng suốt của em.

        Hình ảnh bông hoa cúc trong câu truyện mang một ý nghĩa rất thiên liêng, tốt đẹp qua bàn tay của cô bé. Không chỉ trong câu chuyện, ngày nay hoa cúc vẫn được nhiều người ưa chuộng dùng bởi có thể trang trí nhà cửa, dùng để tưởng niệm và đặc biệt có thể phơi khô dùng làm trà trị được các căn bệnh như đau đầu, viêm mũi có bệnh về hô hấp tiêu hóa, mất ngủ... Một loài hoa chứa trong mình nhiều công dụng nhưng ý nghĩa đẹp nhất ẩn chứa tỏng loài hoa vẫn là lòng hiếu thảo.

        Trong cuộc sống ngày nay, chúng ta không những thấy được hình ảnh gia đình hòa thuận, con cái kính yêu cha mẹ mà còn bắt gặp cảnh những con người bất hiếu vì chút tài sản vật chất ngoài thân mà đuổi đánh cha mẹ của mình không phụng dưỡng người già. Vào những ngày Tết hay 3/8 khi lướt trên facebook tôi đều đọc được những bài báo hay những câu chuyện về mẹ và ấn tượng nhất với tôi là hình ảnh một bà cụ già khi được nhà báo phỏng vấn cụ đã nghẹn ngào đọc một bài thơ ví hình ảnh con cò như cuộc đời mình để châm biếm những con người đã bỏ rơi cha mẹ già ngoài đường không hỏi han quan tâm chạy theo những thú vui hưởng lạc ngoài kia. Nếu bản thân mình không vĩ đại hiếu thuận song thân như Lão Lai Tử, Đàm Tử, ... thì tối thiểu nhất cũng nên phụng dưỡng song thân để cha mẹ có nơi chốn bình ên khi về già bởi họ đã vất vả lo toan cả đời vì chúng ta đã đến lúc cho họ nghỉ ngơi tận hưởng cuộc sống. Ngày lớp 9 khi học Truyện Kiều, tôi đã rất cảm động khi Kiều bán thân mình để cứu cha và em cũng như ở lầu Ngưng Bích dù bản thân mình không mang nổi mình ốc nhưng Kiều vẫn ngoái trông lo lắng cho cha mẹ già.

                     "... Xót người tựa cửa hôm mai

                    Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?

                        Sân lai cách mấy nắng mưa

                     Có khi gốc tử đã vừa người ôm."

Dù bạn có đi bao xa có làm bao nhiêu việc nặng nhọc để mong chờ thành quả tương lai thì hãy nhớ rằng luôn có người đang quan âm lo lắng cho bạn ở nhà và người đó không ai khác là cha mẹ. Nếu chắc chắc rằng tốc độ thành công của mình nhanh hơn tốc độ già của cha mẹ thì hãy cố gắng hết mình mang lại ấm lo cho họ còn nếu không hãy cho họ tận hưởng hơi ấm tình thân vào những ngày già bởi ai biết được tương lai mai này lúc nào mẹ cha sẽ gần đất xa trời. " Dù đi khắp bốn phương trời/ Công cha nghĩa mẹ không ai sánh bằng". Nếu bạn còn nhỏ, hãy học tập cô bé trong câu chuyện trên nhé bởi khi trưởng thành rồi muốn bên cạnh cha mẹ nhiều cũng sẽ chẳng có nhiều cơ hội cho bạn lựa chọn đâu.