Ông bà ta thường nói, “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Song không phải lúc nào dùng đòn roi cũng cảm hóa được một con người, vì nó có thể là nỗi ám ảnh đối với một đứa trẻ mong manh. Đôi khi chỉ một lời nói yêu thương, một hành động quan tâm chân thành cũng đủ khuất phục một “con hổ” . Và để trở nên yêu thương, cần phải có lòng vị tha. Vị thiền sư trong câu chuyện trên cho ta thấy sức mạnh vô hình mà to lớn của lòng vị tha: Len lỏi vào tâm hồn người được vị tha một cảm giác day dứt khôn nguôi và muốn làm những điều tốt đẹp hơn những việc đã làm.

Thiền sư - một vị tu sĩ có đầy đủ kinh nghiệm sống và biết cách đối nhân xử thế. Chú tiểu - tượng trưng cho những lầm lỗi của con người trong cuộc sống. Câu chuyện giữa hai người đã để lại một bài học lớn lao cho chúng ta. Khi phát hiện chú tiểu lẻn ra ngoài, Người không vội tức giận - hãy luôn bình tĩnh giải quyết mọi vấn đề. Khi chú tiểu về chùa, Người không hề trách phạt - hãy nghĩ kỹ trước khi hành động. Người quỳ xuống, đưa bờ vai của mình cho chú tiểu đặt chân lên: đó là Người đang tự trách phạt mình - sự kỷ luật đến đức độ. Người muốn dạy ta rằng, muốn trách phạt ai đó, trước tiên hãy nhìn lại mình, đôi khi người khác có lỗi, nhưng một phần lỗi lại do ta. Bờ vai đó chính là con đường chính nghĩa để cảm hóa chú tiểu - bởi nơi đó tràn ngập yêu thương và lòng vị tha. Bước qua con đường đó, con người ta sẽ vơi bớt đi lỗi lầm để hướng tâm hồn đến cái thiện và việc thiện, được đảm bảo thực hiện bằng cảm giác ăn năn và hối lỗi. Đồng thời mối quan hệ nhân sinh cũng trở nên tốt đẹp hơn vì không sinh ra thù hận hay nỗi sợ hãi do hành động trách phạt gây ra, cũng như chú tiểu nhớ mãi về bài học hôm ấy và thầm biết ơn vị thiền sư. Như vậy thật không khoa trương khi nói lòng vị tha có thể thay đổi một con người và giúp cuộc sống tốt đẹp hơn rất nhiều.

Lòng vị tha, hiểu chính xác chính là sự rộng lượng, khoan dung, tha thứ cho những sai lầm của người khác hay của chính mình. Một giọt mực rơi vào cốc nước sẽ khiến cho cốc nước đổi màu, nhưng một giọt mực khi rơi xuống biển cả sẽ tan biến, vì sao vậy? Cốc nước và biển cả khác nhau ở sự rộng lượng. Một nơi chật hẹp chỉ khiến con người ta cảm thấy ngột ngạt và khó lòng nhìn ra ánh sáng - một nơi mà bóng tối dễ dàng tràn vào. Còn nơi “biển cả” cho ta sự sống mới, cái nhìn mới, thoáng đãng hơn và tràn đầy sự phóng khoáng. Đấy là lý do lòng người chật hẹp chỉ khiến con người bất hạnh, u tối và mù quáng. Ngược lại, người độ lượng luôn nhận được sự yêu mến và kính trọng, từ đó sống thanh thản và an bình. Hãy sống như biển cả, lặng lẽ tha thứ cho những chuyến tàu ồn ào và rộng lòng xoa dịu ánh mặt trời cháy da thịt, và không bao giờ đóng cửa!

Trong cuộc sống, phiền phức của con người thường xoay quanh mười hai chữ: “Buông không đành. Nghĩ không thông. Nhìn không thấu. Quên không được”. Điều đó cũng xoay quanh hai chữ “vị tha”. Chúng ta hay dây dưa với mối giận, buồn bực vì chỉ nghĩ về một phía và chất chứa chấp niệm - mà không chịu bỏ qua hay tha thứ cho những sai lầm, chính chúng ta đang bị sai lầm đó cám dỗ và tiếp tục mắc phải sai lầm - tự đưa bản thân vào chốn ngục tối. Chỉ khi nào ta nhìn về mặt tích cực của vấn đề và chịu thấu cảm cho người khác thì phiền muộn mới kết thúc. Tha thứ cho người khác chính là tha thứ cho chính mình, vì khi đó chính chúng ta cũng cảm thấy nhẹ nhõm thay vì chất chứa mưu hại khiến ta trở thành nô lệ của quỷ dữ. Vị tha tuy chỉ là sự bỏ qua, không chấp nhất tới nữa, nhưng nó có sức mạnh gắn kết nhân loại vô cùng mãnh liệt. Nếu như những quốc gia không tha thứ cho nhau, thì chiến tranh đến bao giờ kết thúc? Nếu người da đen cứ hận thù người da trắng, thì chấm dứt chế độ A-pac-thai lại tới chế độ phân biệt người da trắng? Nếu chúng ta cứ hận thù nhau thì Trái Đất không còn là một. Vì vậy vị tha giúp con người hướng tới những điều tốt đẹp và thoát khỏi “xiềng xích” của sự chật hẹp trong tâm hồn.

Sự chật hẹp trong tâm hồn? Phải, đó là lòng đố kỵ, sự ích kỷ và lòng ganh ghét. Con người thường có lòng tham không đáy, chính điều đó đã dẫn lối con người đến ngục tối. Họ là muốn nhận được sự yêu mến, hào quang, danh lợi? Không, họ không được gì cả, ngoài cái nhìn khinh bỉ của người khác. Có chăng cũng chỉ là nhất thời, vì trời đất chỉ rộng lượng với người lương thiện. Chúng ta chỉ vì hai chữ “danh lợi” mà đánh mất cả bản thân, có đáng không? Thù hận chỉ khiến con người đau khổ bởi chính mình, không đáng!

Chớ hiểu lầm rằng vị tha chính là bao che, dung túng. Hai việc này là hoàn toàn khác nhau. Một bên là tha thứ giúp con người kịp thời sửa chữa lỗi lầm, một bên là bao bọc để che đậy sai lầm, giúp sai lầm đó phát triển ngày một sa lầy. Vị tha là giúp ta và giúp người, nó chẳng bao giờ hại ai. Chính vì những lẽ trên, tôi và bạn, là con người, chúng ta biết suy nghĩ, thấu cảm và sẻ chia, vậy tại sao chúng ta không sống vị tha để mỗi người hoàn thiện hơn, con người ai mà không có lúc mắc phải sai lầm? Điều quan trọng là phải biết sửa sai, vị tha chính là cơ hội cho người khác làm điều đấy. Đừng bao giờ đẩy người khác vào ngõ cụt bằng sự ích kỷ và thị phi của mình!

Vị tha - tuy hai chữ mà không phải dễ. Đó là cả một quá trình rèn luyện và tu dưỡng đạo đức. Đôi khi chúng ta phải trải qua những mỗi thù hận mới hiểu hết sự thanh thản của vị tha. Vị tha chính là hương vị không thể thiếu trong cuộc sống, vì nếu thiếu nó, chung ta chẳng hề biết yêu thương và cảm thông, và con người cứ tiếp tục sai lầm của riêng mình. Hãy cứ vị tha khi bạn có thể. Riêng em cũng vậy, em sẽ buông bỏ những lỗi lầm của mình và của người khác để sống trọn vẹn với hạnh phúc!