Đồng cảm – nghệ thuật sống.
Bạn biết không, đôi mắt của mỗi chúng ta chính là lăng kính nhìn ra ngoài thế giới bao la rộng lớn. Đôi mắt ấy khi kết nối với trái tim sẽ biến những hình ảnh đẹp đẽ nơi vũ trụ trở thành những cung bậc cảm xúc cứ nhảy nhót liên hồi trong tâm trí của chúng ta. Nhưng sứ mệnh của bộ đôi ấy sẽ hoàn thiện hơn nếu như chúng thoát ra khỏi cái tôi riêng biệt của bạn để “đặt” vào “tâm” và soi sáng “hồn” của người khác. Người ta gọi điều kì diệu ấy là sự đồng cảm. Nếu như cách diễn giải này có khiến bạn khó hiểu, thì xin mời hãy đọc câu chuyện sau đây, nó sẽ giúp bạn hiểu hơn về hai chữ “đồng cảm”.
Câu chuyện đề cập đến việc diễn giả Lê-ô Bu-sca-li-a kể về một cậu bé bốn tuổi được chọn là đứa trẻ quan tâm đến người khác nhất chỉ vì hành động rất đơn giản của em. Người hàng xóm của em là một ông lão vừa mất vợ. Nhìn thấy ông khóc, em lại gần rồi leo lên lên lòng ông. Em ngồi rất lâu như thế chỉ để ông ấy khóc. Hành động ngồi im thể hiện sự đồng cảm, chia sẻ của câu bé với nỗi đau của người khác. Đây là hành động rất phù hợp với tâm lí, tính cách của một đứa trẻ 4 tuổi khi chưa thể có những cử chỉ vỗ về, những lời động viên an ủi mang tính triết lí sâu xa…Hành động ấy tuy rất giản đơn nhưng xuất phát từ tình cảm trong sáng, chân thực nên đã trở thành một biểu tượng đẹp, lấp lánh tình người, chiếm được cảm tình của vị diễn giả. Qua câu chuyện, Lê-ô Bu-sca-li-a muốn đề cao sự cảm thông, chia sẻ giữa con người với nhau trong cuộc sống.
Sự đồng cảm, sẻ chia là tình cảm giữa con người với con người. Tình cảm ấy sinh ra từ máu của con tim, trở thành sợi chỉ đỏ kết nối con người lại với nhau. Mỗi người một cuộc đời, một khó khăn, một thách thức. Chúng ta không thể cực đoan hoá nỗi khổ của mình và cho rằng ta là người phải chịu nhiều uất ức nhất. Sự đồng cảm, đó là khi ta biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để thấu hiểu, cảm thông cho những nỗi khổ của họ. Đó là khi ta biết vươn tay ra, nắm lấy đôi tay đầy khắc khổ của những con người đáng thương, giúp đỡ họ và cùng họ vượt qua khó khăn. Một cái nắm tay, một cái ôm, hay một nụ cười…tình người không bao giờ có hồi kết. Tôi vẫn còn nhớ câu hát đầy ý nghĩa của “Quà tặng cuộc sống”: “Thời gian cứ trôi, tình người còn mãi”. Đó là món quà đầy ý nghĩa mà cuộc sống đã ban tặng cho chúng ta. Hành động sẻ chia, trao yêu thương, sự đồng cảm không phải là một điều gì đó quá đỗi vĩ đại mà chúng ta không thể làm được, nhưng ý nghĩa của chúng thì quả thực vô cùng to lớn. Sự chia sẻ kịp lúc có thể sẽ cứu được một người đang trên bờ vực sụp đổ tuyệt vọng, cứu được linh hồn đã bị quỷ dữ cướp đi của kẻ lỡ sa chân vào vũng bùn lầy và giúp họ nhận ra ánh sáng, giúp họ hoàn lương. Lòng nhân ái chính là ngọn đuốc sáng rực, giúp ta đi vào bóng tối và đưa con người ra ngoài ánh sáng. Tình yêu thương khẳng định với những số phận khắc khổ rằng họ không hề đơn độc, họ không phải chịu nỗi đau ấy một mình. Trong mọi thời điểm, sự cảm thông chia sẻ luôn luôn cần thiết, đặc biệt là trong hoàn cảnh hiện nay, khi dịch bệnh COVID – 19 đang hoành hành trên toàn thế giới, đảo lộn cuộc sống bình thường của chúng ta. Hãy nhìn vào những chiến sĩ áo trắng dũng cảm đang mặc những bộ đồ bảo hộ kín như bưng trong thời tiết mùa hạ khắc nghiệt, họ có bao giờ thốt lên một lời kêu ca? Họ vẫn ở đó, ở tuyến đầu chống dịch, vì họ cảm nhận được nỗi đau đớn của những bệnh nhân của họ, cảm nhận được sự khó khăn của mọi người khi không thể kiếm kế sinh nhai. Ngay cả người dân bình thường, như anh Hoàng Tuấn Anh cảm thông với nỗi khổ của dân nghèo mà phát minh ra máy ATM gạo,…Bạn thấy không, chính sức mạnh của tình yêu thương, sự cảm thông đã giúp họ tạo nên những điều kì diệu, góp phần đẩy lùi dịch bệnh, đem lại cuộc sống bình yên cho mọi người.
Jean Jacques Rousseau đã từng nói rằng: “Chúng ta cảm thương người khác trong những bất hạnh mà chính chúng ta đã trải nghiệm.” Dẫu biết rằng sẽ không thể thấu hiểu người khác hoàn toàn khi chúng ta không trực tiếp cảm nhận những gì họ đã trải qua, nhưng tôi tin rằng, chỉ cần rộng mở trái tim, và lắng lòng mình lại, tưởng tượng mình trong hoàn cảnh của họ, chắc chắn chúng ta sẽ có được sự cảm thông sâu sắc. Người ta nói rằng: “Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm.” Khi trao tình yêu thương tới mọi người, bản thân người tặng cũng sẽ nhận được những món quà tuyệt vời. Đó là cảm giác viên mãn, hạnh phúc, vui vẻ khi được cho đi, khi được làm một điều gì đó có ích cho người khác – cảm xúc mà bất cứ một kẻ ích kỷ, lãnh đạm nào cũng không bao giờ có được. Tôi rất thích được gọi những con người sẵn sàng trao đi yêu thương ấy là “những thiên sứ ban phát nụ cười” bởi họ đang thực hiện sứ mệnh thiêng liêng mà Thượng đế giao phó: mang đến hạnh phúc cho người khác. Những con người ấy sẽ thoát đi cái tôi cá nhân, thoát đi những suy nghĩ vị kỷ và biết quan tâm tới những người xung quanh, đó là hành trình “đi từ bóng tối đến ánh sáng”. Và họ sẽ biết trân trọng hơn những gì mình đang có. Bạn biết chứ? Nick Vujicic tâm sự với bạn đọc trong cuốn sách “Life without limits” rằng một trong những yếu tố then chốt dẫn đến ý định tử tự ngày nhỏ chính là anh đã nghĩ quá nhiều về bản thân. Thái độ đó đã được cải thiện đáng kể khi anh lớn lên, tiếp xúc nhiều và hiểu rằng nhiều phận người sống trên cuộc đời còn gặp phải nhiều thách thức tồi tệ hơn. Một cô bé người Australia đã giúp anh hiểu được điều đó. Khi ôm anh, cô bé khoanh tay ra sau lưng, ôm anh bằng cổ giống như cách mà cô học được khi để ý anh ôm người khác. Một ví dụ đáng kinh ngạc, đầy cảm động của sự đồng cảm mà chúng ta đáng phải học tập. “Sự đồng cảm là một món quà quý giá”, Nick thốt lên, “khi bạn phải đương đầu với những khó khăn, thay vì chỉ chu ý đến những đau đớn, bất hạnh của bản thân, hãy nhìn ra những người sống xung quanh bạn và nhìn ra cuộc đời.” Và anh đã làm được điều đó. Một con người mà chúng ta luôn nghĩ rằng không ai phải chịu những nỗi đau về thể xác và tinh thần ghê gớm hơn thế nữa, lại có thể hạ mình xuống và đồng cảm, sẻ chia với những số phận bất hạnh, thì tại sao chúng ta lại không thể?
Sự cảm thông, chia sẻ chính là hạt nhân trong trái tim của mỗi người, nhưng không phải ai cũng nhìn thấy và ai cũng hiểu được chúng. Vì thế nên có những kẻ có lối sống ích kỷ, ngoảnh mặt làm ngơ trước những khó khăn bất hạnh của người khác. Chúng ta cũng cần phê phán những kẻ lợi dụng việc quyên góp từ thiện với mục đích cá nhân. Phải biết rằng tình yêu thương chân chính xuất phát từ con tim một cách chân thành, không vụ lợi.
Qua câu chuyện về sự cảm thông chia sẻ từ một đứa trẻ bốn tuổi, diễn giả muốn khẳng định: lòng vị tha, yêu thương là bản chất vốn có của con người, vì vậy cần vun xới cho đức tính đó được phát triển đến khi đứa trẻ đó trưởng thành. Như tôi đã nói: “Đồng cảm - nghệ thuật sống”. Con người là động vật cao cấp nhất vì trong mỗi trái tim của chúng ta đều tồn tại một hạt giống quý mà Thượng đế ban tặng mang tên “tình thương”. Vì vậy mỗi người chúng ta, ngay từ bây giờ, hãy học cách trao đi tình yêu thương, chia sẻ gắn kết với nhau, cùng nhau vươn lên bởi: “Cho đi là còn mãi.”
Bình luận (0)