Có lẽ những ngày vừa qua sẽ là những ngày không thể quên đối với các cán bộ, y bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại khu cách ly khoa truyền nhiễm của bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang. Đó là những ngày mẹ phải xa con, vợ xa chồng…nén lại những tình cảm ruột thịt để tập trung cho “cuộc sống khác” thường nhật, hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng của người thầy thuốc là đánh thắng đại dịch Covid-19. Trong số những y bác sĩ, đã có người có kinh nghiệm sống và làm việc trong môi trường cách ly từ lần bùng dịch trước nhưng đa số với mọi người đều là trải nghiệm đầu tiên. Tuy vậy, họ không hề nao núng và bỡ ngỡ, nhanh chóng thiếp lập và sắp xếp công việc cũng như cuộc sống trong khu cách ly một cách gọn gàng.

Trong những ngày tình hình dịch bệnh căng như dây đàn, Bắc Giang chưa bao giờ phải đón nhận một đợt dịch mà tốc độ lây lan nhanh chóng và có nhiều ca nhiễm liên tục xuất hiện đến như vậy. Bệnh viện đã ngay lập tức kích hoạt lại và tăng cường quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch cũng như tập trung toàn lực chuẩn bị khu điều trị cách ly riêng biệt cho những bệnh nhân nhiễm Covid-19. 

Ngay trong ngày 8/5 khi tiếp nhận ca dương tính với SART-CoV-2 đầu tiên, toàn bộ đội ngũ y bác sĩ cùng các trang thiết bị, phương tiện điều trị cho bệnh nhân đã hoàn toàn sẵn sàng. Bệnh viện tổ chức phân công nhân lực trong khu cách ly gồm 7 bác sĩ và 10 điều dưỡng, để đảm bảo công việc cũng như đảm bảo sức khỏe, cân bằng thời gian nghỉ ngơi cho các y bác sĩ.

Chuông điểm 6h sáng, các bác sĩ và điều dưỡng trong kíp trực tại khu cách ly đã có mặt tại nơi mang quần áo bảo hộ để chuẩn bị bắt đầu công việc 1 ngày của mình. Từng lớp áo quần, mặt nạ, khẩu trang, tấm chắn che mặt... được mọi người thuần thục mang lên người một cách cẩn thận. Bởi hơn ai hết, họ hiểu rằng mình đang bước vào một trận chiến thực sự. Chỉ cần một thao tác sai, bộ đồ bảo hộ bị rách hoặc bị hở thì nguy cơ xâm nhập của virus vào cơ thể mình rất cao.

Công việc của các điều dưỡng từ đầu buổi sáng là đem đồ ăn sáng và đo mạch, nhiệt độ, huyết áp cho các bệnh nhân rồi tổng hợp báo lại cho bác sĩ; đồng thời phát thuốc, lấy nước, đồ dùng cá nhân cho họ. Các bác sĩ sau khi đi buồng thăm khám sẽ bổ sung thêm chỉ định cần thiết, nếu bệnh nhân cần siêu âm chụp chiếu sẽ chuẩn bị máy kéo đến tận giường bệnh để thực hiện. Sau khi đi buồng, họ sẽ ra phun khử khuẩn toàn bộ cơ thể, đồ dùng rồi thay đồ bảo hộ để quay lại phòng hành chính tiếp tục công việc. Do bệnh nhân cách ly, không có người thân đi theo, nên các y bác sỹ nơi đây sẽ thực hiện chăm sóc toàn diện. Hàng ngày, các nhân viên y tế sẽ lên danh sách bữa trưa, bữa tối; những vật dụng bệnh nhân cần rồi liên hệ khoa dinh dưỡng đưa vào, ngoài ra còn giúp nhận đồ người nhà gửi vào cho bệnh nhân. Đến buổi trưa, điều dưỡng sẽ quay trở lại để phát cơm, phát đồ cho bệnh nhân...Chiều đến lại tiếp tục kiểm tra nhiệt độ, xử trí diễn biến các ca bệnh. Nghe tưởng chừng đơn giản nhưng với một lần mặc bộ đồ bảo hộ bít kín làm việc là một lần căng thẳng. Nhưng không phải ngày nào họ cũng làm những công việc lặp đi lặp lại như vậy.Trong tình hình dịch bệnh vẫn tiếp diễn nên công việc ở đây cứ thay đổi từng ngày, từng giờ và không có ngày nào giống ngày nào. Sáng mở mắt ra là có công văn mới, công việc mới, toàn họp khẩn, chỉ đạo khẩn, triển khai khẩn và không ai đoán trước được điều gì sẽ xảy ra. Ví như ngày 9/5, chỉ sau 1 ngày tiếp nhận ca bệnh đầu tiên,thì liên tục 29 ca dương tính được chuyến đến vào ban ngày và 2 ca vào ban đêm. Đội ngũ nhân lực ngay lập tức tăng cường thêm 04 bác sĩ và 10 điều dưỡng, được phân công một cách hợp lý để để đảm bảo công tác điều trị cho tất cả các ca bệnh. Vì ở trong khu cách ly, hạn chế ra vào, nên tất cả các thiết bị công nghệ để truyền tin, hình ảnh luôn được kết nối internet, sẵn sàng cho các bác sĩ hội chẩn từ xa nếu gặp phải ca bệnh diễn biến nặn

Các y bác sĩ cũng như tất cả bệnh nhân trong khu cách ly, ngày thường vẫn là những con người đó, những gương mặt đó, những công việc đó. Nhưng những ngày này, ai cũng dành sự quan tâm chia sẻ động viên lẫn nhau. Hầu hết các bệnh nhân Covid-19 vào viện ban đầu cảm thấy rất lo lắng, sợ hãi dư luận trách móc, đổ tội lây nhiễm dịch bệnh dù bản thân họ không cố ý. Thì chính những người thầy thuốc hàng ngày tiếp xúc với họ sẽ trực tiếp an ủi, động viên để họ lấy lại tinh thần.

Chỉ bấy nhiêu thôi, chúng ta cũng đã hiểu một phần nào công việc của những “chiến binh áo trắng” đang túc trực trừng giây phút trong khu cách ly. Họ chưa từng một lần  cần lời cảm ơn nhưng những gì họ đã và đang làm sẽ khắc sâu vào trong lòng mỗi người về hình ảnh người thầy thuốc đáng úy, đáng trân trọng, không tiếc vất vả, nguy hiểm, gian khổ để dấn thân đến nơi tuyến đầu chống dịch, bảo vệ sức khỏe cho người dân.

                                                               Chân thành cảm ơn các bạn đã dọc bài viết của mình ! ! !