Đọc câu chuyện ngắn "Cánh bướm hồng" đã để lại trong tôi nhiều suy ngẫm, nhiều bài học thấm thía.
Ngay từ cái tựa "Cánh bướm hồng" đã không khỏi làm cho người đọc tò mò. Điều gì, thứ gì khiến ta phải để ý đến một con bướm nhỏ bé, phù du, một loài dong duổi khắp phương trời, lúc bay, lúc đậu. Con bướm đẹp, nhiều màu, nhưng cuộc sống của nó chẳng mấy ai để ý. Đó là phần đặc sắc đầu tiên khiến tôi ấn tượng về câu chuyện. Chắc chắn, nó khiến chúng ta phải đọc hết câu chuyện để biết điều gì xảy ra, việc gì chuyển biến tiếp theo.
Về câu chuyện thứ nhất, ông bố có kể cho cô con gái của mình về thuở bé của mình, một câu chuyện chẳng mấy cổ tích. Ông bố thấy một con bướm có màu lạ bay vào nhà và cậu bé năm xưa ấy quyết định nhốt nó lại với mục đích để chơi - điều mà nhiều đứa trẻ khác cũng làm. Tử tế hơn, không chỉ nhốt con bướm vào để nghịch, cậu bé ấy, còn chăm sóc nó, nhét đầy lá cây và cỏ vào "nhà" của con bướm để cho nó sống. Tưởng chừng thức ăn đến tận miệng, con bướm sẽ đỡ khổ, đỡ phải phiêu bạt nay đây mai đó kiếm chút đồ ăn lót dạ, vậy mà con bướm lại kém may mà từ dã một đời. Ta có thể lí giải cách con bướm chết theo nhiều lí do khác nhau như thiếu ô-xi, thức ăn không hợp khẩu vị,... và ti tỉ lí do sinh học khác. Nhưng nhân vật chủ chốt dẫn đến điều này là do "phiên bản nhỏ hơn của ông bố bây giờ". Chính cậu bé năm xưa ấy đã nhốt nó nhưng với lí do chính là để ngắm. Hơn nữa, cậu bé này không lấy gì làm ác ý, thậm trí còn nuôi con bướm ấy. Chỉ là con bướm đã không được sống ở nơi nó thuộc về. Nêu cậu bé ấy thả con bướm ra, nó có thể không chết, nó có thể sẽ bay lại vào căn nhà nơi cậu ở, nó có thể sinh ra nhiều con bướm khác... Rõ ràng, cậu nên thả nó ra tự nhiêu thì sẽ tốt hơn biết bao.
Về câu chuyện thứ hai, câu chuyện ai trong chúng ta đều đã từng trải qua: tập xe đạp. Bây giờ, cậu bé ngày xưa đã trở thành một ông bố. Một ông bố dạy con đi xe đạp. Trong ngày thứ nhất, cô con gái của ông còn sợ ngã nên cần bố giữ chắc chiếc xe đạp. Ông bố thấy hạnh phúc khi con mình vẫn cần mình, cần vòng tay để che chở, ôm ấp, bảo vệ nó. Những ngày xuân ấm áp, sau một khoảng thời gian tập xe, cô bé đã loạng choạng biết đạp. Giờ cô không cần ông bố giữ chắc cái xe tí hon của mình nữa, cô đã có thể tự đì, tự vững bằng đôi chân của mình. Ông bố sững lại một mình nhìn đứa con mình đi xa hơn, xa hơn...
Có thể nghe qua thì câu chuyện "con bướm" và "tập xe đạp" trên chẳng có gì liên quan. Nhưng càng đọc, ta càng thấm thía thông điệp nó muốn truyền đạt. Trong câu truyện tập xe đạp, ông bố để con mình tự đạp đi, dù nó có ngã cũng tự biết đứng lên. Nếu cứ níu giữ cô bé bên mình như con bướm hồi nhỏ thì cô bé sẽ chẳng bao giờ biết đạp xe như con bướm mãi không thể bay lượn giữa cây cỏ lá hoa. Ai rồi cũng sẽ lớn lên, sẽ trưởng thành. Còn cha mẹ chúng ta rồi đều sẽ già đi. Như hình ảnh ông bố đứng sững lại một chỗ nhìn con mình từ phía sau, trông nó đi xa, đi xa hơn mà khoảng cách giữa mình với nó ngày càng dài.
Về nghệ thuật, câu chuyện chọn kể theo ngôi thứ nhất đang độc thoại nội tâm, để nhân vật dễ dàng bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ và giúp ta đi sâu vào nội tâm nhân vật. Qua cách kể chuyện, ta cảm nhận người dẫn chuyện là một ông bố rất mực yêu, quan tâm, chăm sóc con. Ông luôn nghĩ về tương lai của con mình qua chi tiết ông dạy con tập xe đạp. Khi con ông đã dần đạp vững, ông đã buông tay để con mình tự tập. Nhưng không vì thế mà ông bố bỏ đi chỗ khác. Người bố ấy vẫn dõi theo con từ phía sau, cổ vũ, động viên con mà trong lòng nhớ lắm cái khoảnh khắc đứa con còn là một con bé loạng choạng, má đỏ hồng và kêu lên: "Đừng thả ra bố ơi". Điều đó gợi ta thấy hình ảnh khi mỗi con người trưởng thành, thành công thì bố mẹ sẽ vui xiết bao. Nhưng sâu tận tâm can, bố mẹ vẫn nhớ lắm đứa con nhỏ bé ngày nào, chẳng mong nó lớn lên để thế mà rời xa mình.
Câu chuyện muốn truyền tải với chúng ta thông điệp về sự tự do, độc lập của mỗi người, mỗi vật. Nếu ta cứ khư khư giữ một điều gì đó bên mình chưa chắc đã giữ được nó mãi, ngược lại càng khiến nó xa chúng ta. Ta hãy để mỗi thứ, mỗi điều, mỗi người làm những điều họ nên làm, để chúng lại những nơi chúng thuộc về, để chúng sống theo cái cách chúng nên sống. Đây là một câu chuyện ngắn gọn mà đầy ngụ ý và sâu sắc, rất đáng để độc giả suy ngẫm.
Bình luận (0)