Nelson Mandela, vị tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi từng nói: "Giáo dục là vũ khí mạnh nhất người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới". Giáo dục là các hoạt động nhằm dạy dỗ, định hướng và cung cấp tri thức cho người học, như việc học tập chính khoá ở trường lớp, hay sự trau dồi, bồi dưỡng ngoại khoá để phát triển tài năng. Sở dĩ Nelson Mandela coi giáo dục là "vũ khí mạnh nhất" để "thay đổi cả thế giới" là bởi giáo dục có ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ đến nhận thức của con người, từ đó triệt để thay đổi toàn bộ xã hội. Từ khi còn thơ bé cho đến khi trưởng thành về cả thể chất lẫn tinh thần, tính cách và nhận thức của con người về đúng sai, tốt xấu đều phụ thuộc vào sự giáo dục của mọi người xung quanh. Ví dụ, một đứa trẻ được dạy dỗ cẩn thận sẽ biết đánh người là sai, nhưng một đứa trẻ lớn lên trong một gia đình đầy bạo lực sẽ coi đó là một điều bình thường. Chúng ta là những sinh vật sống dựa theo bản năng, dù thứ bản năng ấy ít nhiều vẫn lý trí hơn các loài vật khác. Ta hành động theo cách mình nhìn nhận sự vật, sự việc xung quanh dưới lăng kính được chế tạo bởi nền giáo dục chúng ta được nhận. Chính vì vậy, nếu muốn thay đổi cả thế giới theo một chiều hướng tốt đẹp hơn, chỉ cần đầu tư vào giáo dục, muốn đánh thắng "giặc dốt" (như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói), thì giáo dục vẫn là "vũ khí mạnh nhất". Và cũng như Nelson Mandela từng nói, "Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên.", bởi lẽ, giáo dục là vũ khí lợi hại nhất, hơn cả những "bom nguyên tử", những "tên lửa tầm xa". Chính vì tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của giáo dục lên cá nhân, tập thể và toàn xã hội mà chính quyền các quốc gia và gia đình, nhà trường cần hết sức chú trọng phát triển loại "vũ khí" này.