Con người luôn mang trong mình một khát vọng tự do, một mong muốn có thể tự mình quyết định, tự bước đi trên con đường đời bằng chính đôi chân của mình. Không ai muốn mình bị ràng buộc, bị gò bó, suốt đời phải dựa dẫm vào người khác, đó cũng là điều dễ hiểu.

  Tôi đã thấy nhiều bậc làm cha, làm mẹ thể hiện tình yêu thương mà mình dành cho con bằng cách quan tâm con hết sức, chăm lo cho con trong tất cả mọi việc, thay con quyết định mọi thứ mà chưa hề hỏi ý kiến của con,… Nhưng, họ đâu biết rằng, mình đã gián tiếp gây ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của trẻ. Khi cha mẹ áp đặt con vào suy nghĩ của mình, làm tất cả mọi thứ cho con, không để con tự mình quyết định và nêu lên suy nghĩ, thì đứa trẻ ấy sẽ chỉ biết dựa dẫm vào cha mẹ, thiếu kinh nghiệm, thiếu hiểu biết và thiếu kĩ năng giải quyết các tình huống bất ngờ trong cuộc sống. Thậm chí, khi cha mẹ quá chiều chuộng con thì đứa bé sẽ càng được nước lấn tới, tiếp tục đòi hỏi quá nhiều, dần dần sẽ trở thành một đứa con hư.

  Như trong câu chuyện trên, người cha khi còn nhỏ đã vô tình giết chết con bướm đó. Con bướm đang được sống tự do ở thiên nhiên thì bỗng dưng lại bị bắt lại, phải sống trong giam cầm. Và tất nhiên là con vật tội nghiệp đó đã chết. Nó chết không phải vì đói mà chết vì ngột ngạt, chết vì không được sống trong thế giới rộng lớn bao la và đẹp đẽ của nó, chết vì bị tước đi sự tự do. Người bố chắc chắn đã rất ân hận vì hành động của mình.

  Rồi bố kể cho con nghe câu chuyện thứ hai. Đó là câu chuyện bố và con cùng nhau tập đi xe đạp. Những ngày đầu con vẫn cần bố đi theo bên cạnh, con vẫn còn sợ hãi. Nhưng, bố thấy vui vì con vẫn còn nhỏ, vẫn còn là một đứa trẻ ngây thơ, vẫn cần sự che chở, bảo vệ của bố. Nhưng, thời gian lặng lẽ trôi đi, con ngày một lớn khôn. Lúc này con đã tự tin, dũng cảm đạp xe về phía trước, không cần bố phải đi bên cạnh để giữ xe nữa. Bố định chạy theo con, định tiếp tục bảo vệ cho con, nhưng cuối cùng bố quyết định dừng lại. Bố không đi theo bên cạnh con nữa, vì bố thấy đã đến lúc phải dừng lại, đã đến lúc con phải tự đi trên con đường đó bằng chính sức của mình. Bố sẽ không tiếp tục giữ chặt con bên mình, như giữ con bướm hồng đáng thương kia. Mặc dù rất muốn con mãi mãi là đứa con bé bỏng cần vòng tay che chở của bố, nhưng bố biết rằng đã đến lúc mình phải thả tay ra để con đi một mình. Bố sẽ để con có được tự do mà con nên có, để con làm quen với cuộc sống phức tạp bên ngoài vòng tay của bố mẹ. Con nên có không gian riêng, đường đi riêng của cuộc đời mình. Bố mẹ không thể ở bên con mãi mãi, đó là quy luật của cuộc sống…

   Và con sẽ lớn…sẽ đi xa…Con sẽ là một con bướm non tự do, sẽ không bị bố mẹ giữ lại. Bố biết buông tay lúc này là đúng đắn, nếu không con sẽ rất bỡ ngỡ khi đặt chân vào đường đời. Bố không muốn thấy con trở thành con bướm năm nào…

   Một lúc nào đó con sẽ hiểu ra…Bố buông tay không phải là vì bố không yêu con, mà muốn con tự trải nghiệm cuộc sống theo cách của riêng mình, muốn con học được cách tự lập, cách tự mình vươn lên, vượt qua những phong ba bão tố của cuộc đời.