Thế giới này có hơn bảy tỷ người, đi với đó là hơn bảy tỷ nụ cười, bảy tỷ suy nghĩ, bảy tỷ lối sống, cách nhìn nhận khác nhau,... nên chẳng có gì ngạc nhiên khi loài người chúng ta, với mỗi một vấn đề, lại có cho mình một lập trường, một luồng suy nghĩ đối lập, không ''đụng hàng'' nhau.
Nhìn vào một quảng cáo trên Youtube về một phương pháp trị bệnh, một phương thuốc thần kỳ chữa được bách bệnh, tôi dám chắc nhiều người sẽ tin sái cổ và đương nhiên, ngành khoa học chế tạo thuốc và nền y tế tiên tiến lập tức bị đưa vào quên lãng, nhanh như việc nước bốc hơi vậy. Nhưng nếu như đứng trên phương diện khoa học chứ không phải niềm tin để phán xét những quảng cáo đó, ta có thể nhận ra ngay những lỗ hổng phi thực tế được dựng lên đánh lừa người nhìn, người nghe.
Thực tế chỉ rõ, khi xã hội ngày càng phát triển theo đà đi lên, thì nhiều người với lòng tham lại phát triển thụt lùi. Ở trong một cuộc chơi tranh giành miếng cơm manh áo như ngày nay, ước mơ làm giàu là giấc mơ chung, không của riêng ai. Lợi dụng tư tưởng, đồng thời đánh vào lòng tham và những suy nghĩ mù quáng, có biết bao công ty đa cấp mọc lên với chiêu trò cho vay với lãi suất khủng, tuyển dụng việc làm, xuất khẩu lao động,... Những con người đứng trên lòng tham và niềm tin với những người đứng trên sự tỉnh táo để nhìn nhận vấn đề đương nhiên sẽ có hai kết thúc khác nhau - một bên nợ nần, một bên tránh được tai họa.
Nói tóm lại, con người chúng ta là loại động vật duy nhất có thể suy nghĩ mỗi vấn đề khác nhau với nhiều chiều hướng; không như động vật thấy mồi là ăn, không đề phòng đến bất trắc. Sống trên đời, ta cần nhìn đời bằng hai con mắt, bằng một cái đầu tự biết suy nghĩ đến những chiều hướng thiệt - hơn, hoặc đôi khi đơn giản hơn, ta chỉ cần lật ngược lại một tờ giấy, một bức tranh, một câu chuyện, là đã thấy được một kết thúc khác rồi.
Có những người trên thế gian này lại có những suy nghĩ rất hay ho, họ nghĩ rằng câu chuyện này chỉ mang một màu thôi, làm gì còn sự tồn tại nào khác nữa. Nhưng họ đã nhầm, và đa phần chúng ta đều đã nhầm. Ai nói một câu chuyện vui lại không có nỗi buồn? Ai nói một câu chuyện buồn lại không có niềm vui? Thứ làm nên sự khác biệt, đơn giản chỉ là chỗ mà ta đứng để phán xét ở đâu và ta đặt mình vào vị trí nào để cảm nhận. Thứ đó có thể tốt với mình, nhưng lại vô dụng với người khác, vậy thì vội gì ta đã phải lôi họ ra để cãi nhau chỉ vì chiều hướng nhìn nhận của ta khác nhau? Một thế giới vui trong mắt người buồn sẽ hóa thành ảm đạm, một món đồ tốt trong mắt người buông thả không khác gì thứ rác rưởi; nhưng trong mắt người vui, thế giới buồn là cỗ xe ngựa bảy màu, trong mắt người biết tận dụng đến rác rưởi cũng biến thành đồ vật được nâng niu.
Nhìn nhận vấn đề bằng nhiều khía cạnh, không chỉ là cách thể hiện bạn là một người biết lắng nghe, quan sát mà còn thể hiện rằng bạn rất tỉnh táo và không gì có thể làm khó bạn, nên bạn của tôi, ai trong chúng ta cũng muốn người khác nhìn mình với ánh mắt ngưỡng mộ và biệt danh "thông thái", vậy tại sao ta lại không thể bắt đầu học cách thay đổi góc nhìn ngay hôm nay, bạn của tôi?
Bình luận (0)